Mục tiêu chính của nghiên cứu này là phân tích, đánh giá diễn biến nồng độ khối lượng của bụi mịn PM2.5 và các thành phần cacbon trong bụi mịn PM2.5 ở một khu vực đô thị điển hình, Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Các mẫu bụi 24-h PM2.5 đã được thu thập trong khoảng thời gian mùa hè (từ ngày 8/7/2020 đến ngày 18/7/2020). Kết quả cho thấy nồng độ trung bình ngày của bụi PM2.5 trong toàn đợt đo tại khu vực nghiên cứu là 41,29 µg/m3 - thấp hơn so với giá trị quy định của QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh. Đối với các thành phần cacbon trong bụi PM2.5, thành phần cacbon hữu cơ (OC) có nồng độ cao hơn nhiều so với thành phần cacbon nguyên tố (EC) trong toàn bộ thời gian nghiên cứu. Thành phần cacbon hữu cơ thứ cấp (SOC) chiếm một tỷ lệ đáng kể (31,89%) trong OC, cho thấy tầm quan trọng của các nguồn thứ cấp. Sự tác động của các nguồn sơ cấp và thứ cấp tới diễn biến của các thành phần cacbon trong bụi PM2.5 là khác nhau trong giai đoạn nghiên cứu. Trong giai đoạn 8-12/7/2020, sự tác động của các nguồn sơ cấp chiếm ưu thế, được thể hiện qua các giá trị nồng độ cao của thành phần cacbon hữu cơ sơ cấp (POC). Trong khi đó, các nguồn thứ cấp đóng vai trò quan trọng hơn đối với sự biến đổi của các thành phần cacbon trong bụi PM2.5, cụ thể là SOC, trong giai đoạn 13-18/7/2020.
CITATION STYLE
Lượng, N. Đ., Việt, H. T., Hiếu, B. T., Trung, B. Q., & Hà, V. V. (2021). Đánh giá các thành phần cacbon trong bụi mịn PM2.5 tại một khu vực đô thị ở Hà Nội. Tạp Chí Khoa Học Công Nghệ Xây Dựng (KHCNXD) - ĐHXDHN, 15(4V), 9–17. https://doi.org/10.31814/stce.huce(nuce)2021-15(4v)-02
Mendeley helps you to discover research relevant for your work.